Gần đây, chúng ta thường bắt gặp các bài viết về sự gia tăng các MGAs ở Châu Á. MGAs vốn không phải là một khái niệm mới trong bảo hiểm, nhưng khá xa lạ ở Châu Á ngoại trừ một số thị trường đã phát triển như Hồng Kông và Úc. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp em có cái nhìn cơ bản về MGA.
Cấu trúc MGA đã phát triển mạnh mẽ trong những năm 1990 và 2000, nhưng vai trò "đại lý" đã tồn tại từ thế kỷ 19. Ở một số quốc gia, MGAs được gọi là các “underwriting agencies”, trong khi tại Anh, thuật ngữ MGA từng được gọi là "Coverholder", nơi Lloyd’s là bên cung cấp năng lực nhận bảo hiểm. Thực tế, thuật ngữ này vẫn đang được sử dụng tại Úc, nơi có mật độ MGAs lớn nhất tại khu vực.
MGA là ai?
Theo Viện Quản lý Rủi ro Quốc tế, MGA là một đại lý hoặc môi giới bảo hiểm chuyên biệt, được công ty (tái) bảo hiểm ủy quyền để quản lý các chương trình bảo hiểm và thương thảo hợp đồng cho công ty (tái) bảo hiểm đó.
MGA có hợp đồng để thực hiện nhiều chức năng kinh doanh khác nhau, chẳng hạn như thẩm định, cấp đơn bảo hiểm, quản lý đơn bảo hiểm, xử lý khiếu nại và phân phối sản phẩm bảo hiểm thay mặt cho các công ty (tái) bảo hiểm. MGA khác với các nhà môi giới bảo hiểm ở chỗ họ được công ty (tái) bảo hiểm ủy quyền thẩm định và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác mà vốn dĩ những nhiệm vụ đó do nội bộ công ty (tái) bảo hiểm thực hiện. Một số MGA là doanh nghiệp độc lập, trong khi những cái khác thuộc sở hữu của công ty bảo hiểm hoặc công ty môi giới.
Tại sao lại cần MGA?
Việc tham gia vào một thị trường mới có thể đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể cả về tiền bạc lẫn thời gian – bao gồm việc điều chỉnh theo các quy định tại từng quốc gia, thuê nhân viên, tìm hiểu thị trường, thiết lập hạ tầng cơ sở, v.v. Ủy quyền cho MGAs sẽ giúp các công ty (tái) bảo hiểm nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động của họ vào các khu vực địa lý và thị trường chuyên biệt với mức đầu tư hạn chế. Với sự am hiểu sâu đối với các rủi ro liên quan đến các loại hình bảo hiểm chuyên biệt mà họ cung cấp sẽ giúp MGA đánh giá rủi ro và định giá các đơn bảo hiểm này hiệu quả hơn so với một công ty (tái) bảo hiểm lần đầu tiên gia nhập thị trường. Các công ty bảo hiểm tham gia vào loại hình hợp tác thuê ngoài này để thử nghiệm các sản phẩm hoặc thị trường mới, hoặc khi họ thấy rằng việc làm như vậy là hiệu quả về chi phí hoặc hợp lý hơn so với việc giữ công việc trong nội bộ.
Phạm vi công việc cụ thể mà MGA cung cấp thay mặt cho công ty (tái) bảo hiểm được quy định trong hợp đồng giữa hai bên, được gọi là Thỏa thuận Uỷ quyền hoặc Thỏa thuận MGA.
MGAs thực hiện công việc
Phạm vi công việc của MGA phụ thuộc vào mức độ quyền hạn được ủy quyền bởi các Công ty (tái) bảo hiểm. Công ty (tái) bảo hiểm cũng có thể chỉ định một lĩnh vực kinh doanh cụ thể hoặc một tập hợp các sản phẩm bảo hiểm. mà MGA có thể ký hợp đồng làm việc cho các nhà bảo hiểm và/hoặc tái bảo hiểm.
MGA có thể đảm nhận một số nhiệm vụ bao gồm nhưng không giới hạn ở các công việc sau:
- Tìm kiếm khách hàng mới – quảng bá các sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng, đại lý và môi giới, cũng như chỉ định các đại lý bán lẻ.
- Đánh giá rủi ro – đánh giá, phân loại và chấp nhận hoặc từ chối các rủi ro dựa trên các tiêu chí đã được thỏa thuận trước, cũng như định giá các hợp đồng bảo hiểm.
- Xác nhận bảo hiểm – chính thức cam kết với nhà bảo hiểm về một hợp đồng bảo hiểm mới và phát hành các đơn bảo hiểm tương ứng.
- Quản lý đơn bảo hiểm – tiến hành lập hóa đơn và thu phí bảo hiểm, cũng như thực hiện các công việc để tái tục đơn bảo hiểm.
- Quản lý yêu cầu bồi thường – điều tra, xử lý, giải quyết các yêu cầu bồi thường, hỗ trợ kiểm soát thiệt hại.
Tóm lại, MGA là bên trung gian, hoạt động như nhà phân phối và nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài cho cả các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm. Họ cung cấp chuyên môn về định phí, phạm vi bảo hiểm và các dịch vụ liên quan cho các công ty bảo hiểm thay mặt cho các công ty tái bảo hiểm; và cung cấp các dịch vụ này cho người mua bảo hiểm thay mặt cho các công ty (tái) bảo hiểm thông qua các nhà môi giới (tái) bảo hiểm ví dụ như IIB và đại lý bán lẻ.